ĐA NANG BUỒNG TRỨNG PCOS VÀ VÔ SINH

Ngày đăng: 18/03/2024

Hội chứng Buồng trứng đa nang (PCOS), còn được gọi là sự không rụng trứng do cường androgen (HA= hyperandrogenic anovulation ) là một trong những rối loạn về chuyển hóa và nội tiết phổ biến nhất ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Với hình ảnh đặc trưng trên siêu âm là có trên 12 nang trứng nhỏ với đường kính khoảng từ 2 đến 9 mm phát triển trên một hoặc hai buồng trứng.
Phụ nữ mắc PCOS thường bị rối loạn chức năng kinh nguyệt và dư thừa  androgen, và điều này ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Họ là những người có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh tật, như béo phì, kháng insulin, đái tháo đường loại II, bệnh tim mạch, vô sinh, ung thư và rối loạn tâm lý.

Với sự phát triển của khoa học y học hiện nay, người ta thấy PCOS là hội chứng liên quan đến nhiều bệnh lý có liên quan đến việc sản xuất các hormone streroid không kiểm soát được của buồng trứng, là sự bất thường trong việc truyền tín hiệu insulin, là tình trạng cơ thể bị stress oxy hóa quá mức, và có thể liên quan đến các yếu tố di truyền hay môi trường sống.

Khiếm khuyết nội tại của các tế bào vỏ của nang trứng có thể giải thích một phần tình trạng cường androgen ở bệnh nhân PCOS do chúng bị tăng tiết androgen dưới sự kích thích của các yếu tố nội tại trong quá trình sản sinh hormon steroid và sự thiếu hụt các yếu tố dinh dưỡng. Các khiếm khuyết trong quá trình apoptotic (quá trình chết tế bào bình thường) ở một số nang trứng trưởng thành đã làm gia tăng số lượng noãn ở bệnh nhân PCOS.

 

Dấu hiệu

Triệu chứng của PCOS thường xuất hiện thay đổi khác nhau tùy độ tuổi. Đối với nữ trẻ tuổi thường hay phàn nàn về các vấn đề liên quan đến sinh sản như kinh không đều, kinh thưa, vô kinh. Phụ nữ lớn tuổi thường  than phiền đến các triệu chứng về rối loạn chuyển hóa: béo phì, tăng đường huyết hay rối loạn mỡ máu. Bép phì chiếm tỷ lệ 61- 76% ở nữ mắc PCOS.  Nhiều nghiên cứu giải thích rằng phụ nữ có PCOS có tình trạng  gia tăng sự phân bố mỡ tại các cơ quan nội tạng và mô mỡ dưới da do tăng cơ thể tăng sản xuất androgen

Kháng insulin

Ngày nay, kháng insulin được xem là yếu tố gây bệnh chính của tăng rối loạn chuyển hóa ở phụ nữ có PCOS. Sự kháng insulin đã giải thích được nguyên nhân của rối loạn kinh nguyệt và các rối loạn về chuyển hóa trong PCOS. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, kháng insulin chiếm tỷ lệ 85% ở bệnh nhân PCOS, trong đó chiếm tỷ lệ là 95% ở PCOS có béo phì  và 65% ở bệnh nhân không béo phì. Sự gia tăng insulin máu đã kéo theo tình trạng tăng nồng độ LH trong máu, kích hoạt giai đoạn nghỉ của nang trứng đang phát triển, và dẫn đến gia tăng đáng kể số lượng nang sơ cấp và nang thứ cấp ở một hay hai buồng trứng và vì vậy tình trạng không rụng trứng cũng tăng đáng kể. Tăng insulin máu cũng làm thay đổi nhịp chế tiết GnRH, làm ức chế sự gắn kết với globulin của các hormone sinh dục và làm tăng sản xuất androgen của buồng trứng ở bệnh nhân PCOS. 

Vô sinh

Nữ mắc PCOS sẽ giảm khả năng sinh sản do các bất thường về nội tiết và phụ khoa nên ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng và chất lượng trứng. Sự dư thừa androgen trong tế bào nang trứng đã gây tăng thoái hóa nang noãn nên làm giảm chất lượng trứng, đồng thời làm cho noãn không phát triển đến giai đoạn trưởng thành nên không có hiện tượng phóng noãn xảy ra. Đây là nguyên nhân dẫn đến vô sinh ở những bệnh nhân có hội chứng BTĐN.

Có đến 90% các rối loạn về rụng trứng ở nữ PCOS liên quan tình trạng không rụng trứng kéo dài, và liên  hệ mật thiết đến tình trạng vô sinh ở nữ giới. Nghiên cứu của Balen và cs, 1995, đã báo cáo có đến 50 và 25% phụ nữ mắc PCOS bị vô sinh sơ cấp và thứ cấp. Một nghiên cứu vào  năm 2015 của Hart và Doherty cho thấy rằng vô sinh thường gặp hơn 10 lần ở phụ nữ có PCOS so với nhóm phụ nữ bình thường khỏe mạnh.
Mặt khác, một số nghiên cứu gợi ý rằng phụ nữ mắc PCOS có thai có thể bị biến chứng do thai nghén như đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật cao hơn với nhóm nữ không bị PCOS mang thai. Nguy cơ sẩy thai cũng cao hơn cũng tăng cao ở những nữ bị PCOS với tỷ lệ mắc khoảng 42%–73% .
Liên quan đến những ảnh hưởng đối với phôi, phụ nữ bị PCOS tăng gấp 2,5 lần với nguy cơ sinh con nhỏ so với tuổi thai và con sinh ra tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong.
Có thể nói PCOS là nguyên nhân thường gặp nhất của hiếm muộn, vô sinh do không rụng trứng. Tiến hành kích thích buồng trứng để có nang noãn trưởng thành rồi gây phóng noãn đây là phương pháp hiện đang được áp dụng phổ biến ở các trung tâm Hỗ trợ sinh sản để điều trị vô sinh do PCOS. Ngoài ra, theo cơ chế bệnh sinh của PCOS thì rối loạn chuyển hóa và kháng insulin là nguyên nhân chính của PCOS, nên hiện nay người ta còn tiến hành bổ sung các chất dinh dưỡng như carnitine và N-acetyl carnitine để giúp giảm tình trạng kháng insulin và tăng tỷ lệ mang thai cho nhóm phụ nữ bị PCOS.

Tài liệu tham khảo:

  • Hayek et al. Poly Cystic Ovarian Syndrome: An Updated Overview. Frontiers in Physiology. April 2016 | Volume 7 | Article 124
  • http://hiemmuonphusanhanoi.vn/thong-tin/Hoi-chung-buong-trung-da-nang/752.aspx
popup

Số lượng:

Tổng tiền: