Hiện nay, thụ tinh ống nghiệm không còn xa lạ, nó mang lại cơ hội làm mẹ cho rất nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ và có những thông tin chính xác về thụ tinh trong ống nghiệm IVF.
(Nguồn: Internet)
1. Thụ tinh trong ống nghiệm là gì?
Thụ tinh ống nghiệm (In vitro fertilization – IVF) là kỹ thuật điều trị vô sinh – hiếm muộn phổ biến nhất hiện nay, trong đó tinh trùng của người chồng và trứng của người vợ sẽ được thụ tinh trong phòng labo để tạo thành phôi. Sau khoảng thời gian nuôi cấy phôi bên ngoài (thông thường khoảng 2 – 5 ngày), phôi sẽ được đưa trở lại buồng tử cung của người vợ để phát triển thành thai nhi.
2. Khi nào thì cần làm thụ tinh trong ống nghiệm?
Theo bác sĩ Cao Hữu Thịnh (Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM), những trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm về phía người nam là những bệnh nhân bị tinh trùng yếu, di động kém hoặc là không có tinh trùng. Bên cạnh đó là những trường hợp triệt sản nam (nghĩa là những người nam triệt sản, cột ống dẫn tinh, bây giờ mình muốn có con thì sẽ dùng ống kim hút tinh trùng trong tinh hoàn ra, sau đó mình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm).
Còn thụ tinh trong nghiệm chỉ định về phía nữ hay gặp nhất đó là:
+ Tắc nghẽn ống dẫn trứng làm trứng không di chuyển được đến buồng tử cung để thụ thai;
+ Buồng trứng đa nang (trứng không thể tự lớn, tự rụng để có thai được, thì bệnh nhân sẽ phải kích trứng. Bác sĩ sẽ lấy trứng và kết hợp tinh trùng bên ngoài để tạo phôi sau đó mới cấy lại vào tử cung);
+ Suy chức năng buồng trứng sớm (buồng trứng giảm chức năng, không thể sản xuất hay phóng noãn);
+ Lạc nội mạc tử cung cũng là nguyên nhân gây vô sinh (Lạc nội mạc tử cung là tình trạng nội mạc tử cung phát triển lạc chỗ bên ngoài tử cung, ảnh hưởng chức năng sinh lý của nội mạc tử cung và buồng trứng);
+ U xơ tử cung gây khó thụ thai vì trứng khó làm tổ trong lòng tử cung;
+ Nếu người mẹ có thắt ống dẫn trứng để ngừa thai trước đây thì IVF là phương pháp có thể dùng nếu muốn mang thai trở lại.
+ Trường hợp 2 vợ chồng đều mắc dị hợp tử Thalasamia, bệnh lý về nhiễm sắc thể (rối loạn đông máu, bệnh down)... Nếu mình mang thai tự nhiên thì con dễ mang gen bệnh. Thụ tinh trong ống nghiệm sẽ giúp cha mẹ sàng lọc được những phôi không mang bệnh.
+ Một số trường hợp không may nếu người phụ nữ mắc bệnh ung thư phải điều trị, bác sĩ có thể khuyên họ trữ trứng đông, phòng khi nếu người phụ nữ muốn sinh con trong tương lai. Trứng đông sẽ được thụ tinh trong ống nghiệm.
3. Cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm
Trước khi thực hiện IVF, cặp vợ chồng sẽ được chỉ định một số xét nghiệm nhằm kiểm tra, đánh giá chức năng sinh sản và sức khỏe tổng quát.
Tiếp đó là khám tiền mê, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của người vợ, xem xét người vợ có đủ điều kiện thực hiện quá trình gây mê hay không, một phần trong quá trình chọc hút trứng sau này.
Sau đó, nếu đáp ứng đủ điều kiện để được điều trị, người vợ được hẹn quay lại bệnh viện để thăm khám vào ngày 2 chu kỳ kinh kế tiếp.
Đây chính là thời gian để các cặp vợ chồng chuẩn bị tâm lý, sức khỏe, tài chính, sắp xếp công việc… để bước vào quy trình chính thức của thụ tinh qua ống nghiệm.
4. Thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm như thế nào?
Bác sĩ Cao Hữu Thịnh cho biết: "Giai đoạn đầu tiên mình thụ tinh ống nghiệm là mình tiêm thuốc kích trứng để trứng lớn nhiều trái và mình có nhiều cái trứng thì mới làm được nhiều cái phôi. Sau đó mình mới sàng lọc hoặc có thể cấy phôi đổi với lần mang thai sau này.
Kích thích buồng trứng có nhiều phác đồ, phác đồ dài và ngắn. Nhưng hiện nay các bác sĩ đều sử dụng phác đồ ngắn, mình kích thích buồng trứng khoảng 8-9 ngày là xong. Thường thì đầu chu kỳ kinh bác sĩ sẽ khám và chẩn đoán xem mẹ được bao nhiêu trứng. Bác sĩ sẽ xem tuổi và các thứ khác để quyết định hút số trứng cho mình. Sau đó mẹ sẽ tiến hành kích thuốc, thường là kích 9 ngày là xong.
Tiếp đến khoảng 2 ngày sau đó mình sẽ lấy trứng. Ngày người vợ lấy trứng ra thì người chồng cũng sẽ lấy tinh trùng cùng luôn để tạo phôi. Khi phôi được tạo ra rồi thì sẽ được đưa vào tủ để nuôi cấy. Khi mà nuôi cấy phôi đó được khoảng 3 ngày, bác sĩ sẽ chẩn đoán tỉ lệ đậu phôi. Thường thì tỉ lệ thụ tinh sẽ khoảng 50-60% thôi. Nếu số lượng phôi mà tốt thì mình sẽ nuôi sang ngày thứ 5. Mục đích của việc này là mình lọc bớt phôi bất thường đi, cái thứ 2 là để số phôi nuôi đến ngày thứ 5 sẽ tốt và dễ đậu hơn. Khi có kết quả phôi của ngày 3 hoặc ngày 5 rồi thì thường mình sẽ trữ đông lại.
Tới đây, mình sẽ có 2 cách để chuyển phôi. Cách thứ nhất là chuyển phôi tươi. Có nghĩa là cái này mà mẹ hút trứng, bác sĩ sẽ cho thuốc vào mạc tử cung cho mẹ luôn, gọi là thuốc hỗ trợ toàn thể. Khi có kết quả phôi ngày 3 thì mình sẽ đặt phôi vào tử cung cho người mẹ. Ở trường hợp này cần lưu ý, khi chuyển phôi thì chỉ chuyển phôi ngày 3 được thôi, còn ngày 5 thì không được.
Còn về trường hợp chuyển phôi trữ thì tỉ lệ có thai cao hơn phôi tươi. Vì mạc tử cung của mẹ có thời gian chuẩn bị hơn.
Khi chuyển phôi xong, người mẹ vẫn ăn uống bình thường, sử dụng thuốc của bác sĩ kê cho đều là quan trọng nhất. Mẹ cứ giữ tâm trạng thoải mái, ăn uống đủ chất, tinh thần vui vẻ là được. Phôi ở giai đoạn này là giai đoạn sớm, nó chỉ sống được nhờ nội tiết của thuốc. Vì thế mẹ không được quên uống thuốc.
Ngày cuối cùng là mẹ thử máu để biết có thai hay không. Nồng độ Beta HCG máu >25 IU/L có nghĩa là phôi đã làm tổ và người vợ đang mang thai. Quá trình mang thai được theo dõi sau đó bằng xét nghiệm beta hCG và siêu âm xác định sự hiện diện của túi thai, yolksac, vị trí túi thai, tim thai. Lịch hẹn tái khám sẽ được bác sĩ điều trị hướng dẫn, khác nhau tùy từng trường hợp. Nếu chuyển phôi thất bại nhưng vẫn còn phôi trữ, người vợ có thể tiếp tục thực hiện chuyển các phôi còn lại ở những chu kỳ tiếp theo mà không cần phải thực hiện các bước kích thích buồng trứng hay chọc hút trứng".
5. Chi phí và thời gian làm thụ tinh trong ống nghiệm thế nào?
Chi phí làm thụ tinh trong ống nghiệm phụ thuộc vào liều thuốc mẹ tiêu, số phôi nhiều hay ít... dao động từ 100-120 triệu tùy theo trung tâm mẹ làm.
Quá trình mẹ làm IVF đối với phôi tươi khoảng 2 tuần. Còn đối với chu kỳ chuyển phôi trữ thì khoảng 1,5 tháng. Có nghĩa là từ ngày mẹ tiêm thuốc kích trứng đến khi lấy trứng lấy tinh trùng tạo phôi là khoảng 11-12 ngày. Rồi từ ngày mình lấy trứng đến khi đặt phôi vào tử cung mẹ là khoảng 1 tháng nữa.
Sau khi đặt phôi xong thì đối với phôi ngày 3 là khoảng 12-13 ngày mình thử máu mới biết kết quả có thai hay không. Còn với phôi ngày 5 thì từ 8-9 ngày là mẹ biết được kết quả rồi.
6. Mặt pháp lý về thụ tinh trong ống nghiệm
Theo bác sĩ Thịnh, nếu là hai vợ chồng thì bắt buộc phải có giấy kết hôn và có chứng minh nhân dân.
Đối với người làm mẹ đơn thân thì phải có giấy chứng nhận là chưa kết hôn, nghĩa là giấy chứng nhận độc thân. Người mẹ phải đi xin tinh trùng. Sau đó phải đem gửi tinh trùng vào ngân hàng tinh trùng. Khoảng 3 tháng sau, phía bệnh viện sẽ xem xét người đó có bị bệnh gì hay không. Nếu người đó bình thường thì phía bệnh viện sẽ cho mẫu tinh trùng ngẫu nhiên và mẹ tiến hành làm thụ tinh trong ống nghiệm để có con. Người mẹ sinh con sẽ không biết được cha đứa bé là ai.
Những trường hợp xin trứng để thụ tinh ống nghiệm thì thường xin của người trẻ để tỉ lệ đậu cao hơn. Người này cần có chứng minh nhân dân.
Nguồn: Báo mới, Chuyên gia giải đáp những thắc mắc về phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm IVF - Báo Phụ Nữ Việt Nam (baomoi.com)